Du lịch biển Việt Nam - Ảnh hưởng từ khí hậu

Du lịch biển là loại hình du lịch khai thác các nguồn tài nguyên biển và ven biển, như các bãi biển, phong cảnh đẹp, những giá trị nhân văn. Song loại hình du lịch này phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, đặc biệt là điều kiện khí hậu.

Du lịch biển Việt Nam - Ảnh hưởng từ khí hậu
Du lịch biển Việt Nam - Ảnh hưởng từ khí hậu
Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia trên thế giới có biển, với 125 bãi tắm mà hầu hết là những bãi tắm đẹp, là một trong 12 quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới là Vịnh Hạ Long và Vịnh Nha Trang.

Sự kết hợp giữa điều kiện thuận lợi của khí hậu với các điều kiện khác là tiềm năng du lịch đối với sự phát triển du lịch biển Việt Nam. Nhưng sự thay đổi của khí hậu theo mùa là nguyên nhân chủ yếu tạo ra tính thời vụ trong hoạt động du lịch biển Việt Nam, có ảnh hưởng lớn đến các hợp phần trong tổ chức lãnh thổ du lịch.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu ảnh hưởng của khí hậu đến tính thời vụ trong hoạt động du lịch biển không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận, mà còn có ý nghĩa thực tiễn, góp phần tích cực vào sự phát triển du lịch và kinh tế-xã hội của đất nước.




Trên thực tế, những điểm, khu du lịch biển ở những nơi có điều kiện khí hậu phân hóa sâu sắc theo thời gian trong năm, thì tính thời vụ trong hoạt động du lịch nơi đó cũng rõ rệt và mùa du lịch thường trùng với mùa khí hậu thuận lợi cho hoạt động du lịch.

Nhìn chung, khí hậu ven biển Việt Nam phân hóa thành hai mùa nên đặc điểm tính thời vụ trong loại hình du lịch nghỉ dưỡng, kết hợp tắm biển ở các khu du lịch biển Việt Nam tương đối giống nhau.
Nhưng do vị trí địa lý, địa hình, hoàn lưu dẫn đến sự phân hóa giữa các vùng, miền nên thời vụ ở các điểm, khu du lịch biển có sự khác nhau về thời gian, độ dài và cả tính chất của mùa vụ.

Cụ thể như ở vùng biển phía Bắc, mùa đông chịu ảnh hưởng của khối không khí lạnh cực đới từ phía Bắc tràn xuống, có nền nhiệt độ thấp; mùa hè chịu ảnh hưởng của khối không khí nhiệt đới có nhiệt độ cao nên khí hậu ở vùng này phân hóa thành hai mùa nóng, lạnh rõ rệt.

Mùa lạnh từ tháng 11 đến tháng 4, lại cộng thêm mưa phùn nên hoạt động nghỉ dưỡng, tắm biển ở các điểm, khu du lịch biển vào thời điểm này không thể diễn ra được. Đây chính là mùa vắng khách tại các điểm du lịch biển ở miền Bắc. Chỉ có một số điểm như Hạ Long, Huế vẫn có khách vào mùa này, đặc biệt là khách quốc tế vì các khu du lịch ở đây có tài nguyên du lịch phong phú, ít phụ thuộc vào khí hậu, chẳng hạn như du lịch tham quan, sinh thái và lịch sử...
Khác với khu vực ven biển phía Bắc, khu vực ven biển miền Nam có điều kiện khí hậu thuận lợi, với nền nhiệt độ cao đều trong năm (nhiệt độ trên 25 độ C), ít chịu ảnh hưởng của bão và gió mùa đông bắc. Với điều kiện khí hậu thuận lợi, kết hợp cảnh quan đẹp, tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, nên hoạt động du lịch biển nơi đây có thể diễn ra quanh năm. Do đó, thời vụ du lịch ở các khu du lịch biển miền Nam không mang đặc điểm, tính chất thời vụ sâu sắc như ở các khu du lịch biển miền Bắc.
Tuy thế khu vực Nam Bộ cũng có đặc điểm khí hậu nhiệt đới hai mùa, mùa khô và mùa mưa (từ tháng 4-5 đến tháng 10-11). Trong mùa mưa, điều kiện để phát triển du lịch biển chỉ kém thuận lợi hơn mùa khô chút ít vì vào mùa mưa, lượng mưa trung bình tháng không lớn và mưa thường tập trung vào buổi chiều dưới hình thức mưa rào và dông, thời gian ban ngày có nắng ấm nên vẫn có thể tiến hành hoạt động du lịch được.








Như vậy, điểm đồng nhất trong thời vụ du lịch biển Việt Nam là có một mùa đông khách và một mùa vắng khách. Tính thời vụ dù sâu sắc hay không sâu sắc đều ảnh hưởng tiêu cực đến du lịch. Nó ảnh hưởng đến tất cả các hợp phần của hệ thống lãnh thổ du lịch như tài nguyên du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, lao động trong du lịch, khách du lịch và mức độ tác động đến môi trường.

Thông tin thêm :

 Du lịch biển đảo Nha Trang và thông điệp là gì ?

Du lịch biển với miền Trung, miền Nam

 
Powered by Vu Nguyen